02-02-2009
(Tặng một người bạn)
Cách đây gần 5 năm, trong 2 đêm 13 – 14/3/2004 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhạc sĩ Quốc Trung đã chính thức rẽ sang một lối đi mới trong sự nghiệp của mình bằng chương trình Đường xa vạn dặm theo thể loại nhạc mới. Mặc dù đó mới chỉ là sự thể nghiệm nhưng Đường xa vạn dặm cũng đã kịp để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, làm nên một sự kiện lớn trong nền âm nhạc Việt Nam.
Có thể nói, âm nhạc của Đường xa vạn dặm vừa lạ, vừa quen và khá kén người nghe. Trong buổi trình diễn đó, Quốc Trung đã giới thiệu cho công chúng 9 nhạc phẩm được ông “sáng tác” theo thể loại World Music – một dòng nhạc chưa thực sự phổ biến lắm ở nước ta (tại sao chữ “sách tác” trong ngoặc kép thì các bạn đọc tiếp sẽ hiểu). Thể loại World Music được định nghĩa như sau, Trích Wikimedia
World music là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các dòng nhạc nằm ngoài xu thế âm nhạc đại chúng (popular music) hoặc nhạc cổ điển (classical music) và có một chút yếu tố dân tộc (ethnic) dính dáng trong đó. Nghĩa rộng của thuật ngữ world music chính là âm nhạc dân gian (folk music) của các nước thuộc thế giới thứ ba, nhạc đại chúng hoặc dân gian châu Âu chịu ảnh hưởng từ các nước thuộc thế giới thứ ba và nhạc cổ truyền (không nhất thiết) từ các nước thuộc thế giới thứ ba.
Chất liệu Quốc Trung sử dụng trong các nhạc phẩm này đều là âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam như chèo, xẩm, quan họ, ca Huế, ca trù… cùng với dàn nhạc điện tử. Một sự kết hợp khá thú vị và đem lại một trải nghiệm cực kì mới. Nếu so sánh một cách đơn giản thì Kitaro của bài viết trước của tôi, dùng nhạc cụ truyền thống của Nhật như sáo, trống taiko kết hợp với keyboard, violon thì Quốc Trung đã đem sáo trúc, nhị, đàn bầu … kết hợp dàn nhạc điện tử để cho ra một thể nghiệm âm nhạc hoàn toàn mới.
Sau buổi trình diễn, một thời gian sau, nhạc sĩ Quốc Trung cho ra đời CD Đường xa vạn dặm với 7 nhạc phẩm chọn lọc và có sự chỉnh sửa phối ngẫu tốt hơn. Nhưng đĩa CD cũng bỏ đi vài bản trong đó có Ngồi tựa song đào, Chiếc bóng do đó mất đi các bản phối với các làn điệu Quan họ. Đĩa CD này chỉ phát hành 5000 bản, do vậy đến bây giờ rất khó kiếm và tôi chỉ có các bản MP3 mà tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau đây.
Thực ra, tôi biết đến Đường xa vạn dặm của nhạc sĩ Quốc Trung cũng mới cách đây 1 năm nhưng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi sự phối kết âm nhạc của ông giữa nhạc truyền thống Việt nam và giai điệu nhạc điện tử. Tôi đã nghe một thể loại âm nhạc dân gian tư khi còn bé, đó là nhạc chầu văn, mỗi lần đi theo mẹ xem hầu đồng. Nhưng mỗi lần tôi nghe, tôi thường cảm thấy âm nhạc dân gian của ta, có gì đó vừa đơn giản, lại vừa rất hấp dẫn. Lời ca đơn giản nhưng giai điệu cuốn hút và khi lên cao trào, chỉ muốn làm cho người nghe nhảy ra khỏi chỗ ngồi và nhảy múa (đây là lí do hầu đồng lại dùng chầu văn) Chỉ có điều rất ít người biết đến nó và đưa nó ra ngoài thế giới như Quốc Trung đã làm. Và khi tìm được Đường xa vạn dặm, tôi mới thấy xẩm, ca trù, chèo … tự nhiên trở thành những tác phẩm cực kì hấp dẫn, ngay cả đối với những người chưa nghe nó.
Hơn nữa, cả chương trình Đường xa vạn dặm lại là một câu chuyện có nội dung, có mở đầu và kết thúc. Trước kia, khi nghe Rhapsody (Symphonic Metal, bộ album Emeral Sword) tôi đã rất thích kiểu một album nhạc là một câu chuyện có đầu có hậu, thì với Đường xa vạn dặm, tôi gặp lại kết cấu đó, nhưng là một nhạc sĩ Việt nam. Nội dung của toàn bộ chương trình Đường xa vạn dặm, có lẽ tôi không cần kể lại, nó đã được tóm tắt trong bản trích sau đây của Hải Anh – VnExpress
… Đường xa vạn dặm được xây dựng dựa trên câu chuyện Người thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ. Từ cốt truyện xưa, Quốc Trung sáng tạo thành 9 chương dựa trên các thể loại nhạc dân tộc, kể về từng giai đoạn thăng trầm của nhân vật. 4 tác phẩm đầu Hạc trong sương, Đào liễu, Vọng nguyệt, Ngồi tựa song đào kể về nỗi nhớ thương của người phụ nữ một thân một mình nuôi con chờ chồng. Trong không gian vắng lặng, tiếng đàn bầu não nề, tiếng sáo thánh thót đến nao lòng và nỗi nhớ thương ấy cứ tràn lên bởi tiếng đàn tranh vẳng xa… giữa khung cảnh là tiếng hát ngọt ngào Ngồi tựa song đào thể hiện trên nền nhạc đệm piano như kéo người nghe ra khỏi cảm giác nặng nề của nỗi buồn.
Cao trào của câu chuyện âm nhạc thể hiện trong 3 tác phẩm sau Lưu lạc, Dòng sông một bờ, Chiếc bóng kể về nỗi hàm oan của người vợ. Dàn trống và tiếng nhị réo rắt hòa quyện với nhau, âm thanh của guitar bass điểm xuyết… mang đến hiệu quả âm nhạc đặc biệt, tiếng nhạc mỗi lúc một dồn dập như đưa người nghe lạc vào thế giới hoang vắng của sa mạc, núi rừng, bóng tối… Âm thanh dàn trải và du dương của hai tác phẩm Độc thoại và Đường xa vạn dặm kết thúc câu chuyện với ý nghĩa chuyển tải đến công chúng là sự ân hận của người chồng và hình bóng của người vợ mãi dõi theo chồng con yêu thương …
Quay lại vấn đề về chữ “sáng tác”, sau khi Đường xa vạn dặm ra đời, có rất nhiều ý kiến cho rằng Quốc Trung sử dụng nhạc dân tộc làm nguồn gốc chính và do đó, ông không được dùng từ “sáng tác” khi giới thiệu chương trình này (xem thêm tại link này) Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, đó chỉ là những ý kiến cổ hủ và lỗi thời không theo kịp thời đại. Những nhà phê bình họ đã quá bới móc vào câu chữ “sáng tác” mà phê phán cả một thể loại âm nhạc đang được Quốc Trung mạnh dạn đưa ra thể nghiệmvà từ đó làm cho Đường xa vạn dặm được ít người biết đến (hoặc chí ít cũng có một số người xem bài phê bình trước khi nghe).
Đúng, ta cứ công nhận là Đường xa vạn dặm được sử dụng từ các bài nhạc cổ như Vãn canh, Sa mạc, Trần tình … để xây dựng nên. Nhưng các tác phẩm mới mà người nghe đang nghe lại là một sự kết hợp giữa các bài nhạc cổ đó với các nhạc cụ khác, và do đó nó trở thành các tác phẩm khác chứ không còn là các bài nhạc cổ nữa. Do đó, từ “sáng tác” hay “không sáng tác” không phải là vấn đề quan trọng. Cái quan trọng ở đây là Quốc Trung đã đưa nhạc cổ thành một thể loại nhạc mới, đến gần hơn với người nghe, nhất là giới trẻ, và nhờ đó giới trẻ biết rõ hơn về âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tôi đã tò mò nghe lại Vãn canh lời cổ một lần và thực sự là không thể nghe nổi hết cả bài. Có thể điều đó là do tôi đã nghe Vọng Nguyệt trước đó rồi; nhưng với Lưu lạc thì hoàn toàn khác, vẫn những tiết tấu đó của Vãn Canh nhưng sự phối hợp giữa solo của bass và nhị là một điều mà nhạc cổ ít khi có được.
Đường xa vạn dặm, dựa trên âm nhạc cổ truyền của dân tộc, nhưng lại không được đón nhận nồng nhiệt ở tại Việt nam, mà lại phải mang đi nước ngoài biểu diễn, phải chăng đó là “Đem chuông đi đánh xứ người“. Và có lẽ vì lí do đó, mà sau 5 năm liền kể từ khi cho ra đời Đường xa vạn dặm, nhạc sĩ Quốc Trung không thấy còn tiếp tục với thể loại này nữa. Trong khi đó, tôi biết còn rất nhiều làn điệu chèo, các bài hát xẩm, các bản chầu văn … cần được phổ biến và đưa chúng thành những món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn. Một phần để giữ lại bản sắc âm nhạc dân tộc, một phần là đưa nhạc dân tộc đến dễ dàng hơn đối với giới trẻ bây giờ.
Và bây giờ xin giới thiệu với bạn bản nhạc cùng tên với chương trình, bản Đường xa vạn dặm
Link download: Quốc Trung – Đường xa vạn dặm
Tân
Toàn bộ CD các bạn có thể tải về ở đây (> 60M)
4shared.com: http://www.4shared.com/file/83632621/c9bbfcbd/Quoc_Trung_-_The_Road_To_Infinity.html
rapidshare.com: http://rapidshare.com/files/192834679/Quoc_Trung_-_The_Road_To_Infinity.rar
Mediafire.com: http://www.mediafire.com/file/kmxu5ymygnj/Quoc Trung – The Road To Infinity.rar
Chia sẻ nhạc trên imeem
Quốc Trung – CD Đường xa vạn dặm
Ngoài lề:
– Đừng nghe Đường xa vạn dặm vào ban đêm, vì nhạc của nó hơi chậm và hơi réo rắt, do vậy có thể làm hàng xóm sởn tóc gáy.
– Khi nghe Đường xa vạn dặm, tôi mơ được phối các bài Chầu văn với Nhạc điện tử, do vậy nếu ai có cùng mơ ước thì liên hệ tôi nhé.
zen2506
- Edit
bạn nhận xét tinh tế quá ^^. Làm mình rất muốn thử album này …thank nhiều về link nhạc nhé. Hy vọng cho xu hướng nhạc New Ages sẽ phát triển rộng ở nước ta trong tương lai ^^