Lối ra cho Ngành sắn lát và sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn lát Việt Nam
Kì cuối cùng thể hiện quan điểm của tôi, dựa trên các khó khăn gặp phải của ngành trong phần trước, kinh nghiệm kinh doanh ngành sắn, cồn trong một vài năm gần đây để đưa ra một số ý kiến quan điểm cá nhân. Đúng sai không phải là vấn đề quan trọng nhất mà viết ra được là sự thành công rồi.
Cân bằng về nguyên liệu
Quan trọng nhất cho ngành sắn và sản xuất cồn nhiên liệu chính là cân bằng về nguồn nguyên liệu. Sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang là một ngành lớn mạnh và đi dần vào ngành xuất khẩu tỉ đô. Nhưng đối với Cồn nhiên liệu, lẽ ra sản phẩm tinh của nguyên liệu thô sắn lát này phải được chăm chút kĩ hơn thì lại đang đứng ở bờ vực thẳm. Nếu như xuất khẩu chỉ đem lại thua lỗ vì không thể cạnh tranh được với Cồn mật rỉ thì con đường cuối cùng chỉ có là phục vụ nhu cầu trong nước. Trên thực tế, sắn lát Trung quốc nhập khẩu về để sản xuất cồn cũng không để xuất khẩu cồn mà chỉ phục vụ nhu cầu pha xăng trong nước. Do đó, việc cân bằng giữa sản xuất sắn lát xuất khẩu và cung cấp cho nhà máy cồn trong nước cần phải có sự điều tiết của các cơ quan có chức năng (cơ quan nhà nước, hội ngành)
Hãy nhìn sang nước bạn Thái Lan, một đất nước có khí hậu tương tự ta và họ đang đứng đầu về cả xuất khẩu sắn lát, sắn viên nhưng cũng đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy cồn trong nước sản xuất để pha xăng. Hiện tại ở Thái lan, thậm chỉ người ta đã nghĩ đến việc cung cấp E85 ra thị trường, chứ không còn chỉ là E5 hay E10 nữa. Vì hầu như ai cũng biết, càng đảm bảo cho người nông dân về việc tiêu thụ nông sản là củ sắn, thì người nông dân càng tăng cường sản xuất, thâm canh, tăng năng suất và đem lại lợi ích cho cả hai.
Cuối cùng, hiện tại như phân tich cũ của bài trước, giá sắn lát Việt Nam hiện nay hầu hết phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, nếu họ muốn giá tăng thì giá tăng, họ muốn giá giảm thì giá giảm. Đó là điều dễ thấy ở Việt Nam những năm gần đây. Qua nghiên cứu tôi nhận thấy rằng không thể chỉ đổ lỗi các thương lái Trung Quốc hay người Trung Quốc được. Như các cụ đã nói, tiên trách kỉ hậu trách nhân. Việc này thực tế là do toàn bộ quá trình cung cấp đến thương lái Trung Quốc của chúng ta có vấn đề. Từ đầu nậu thu mua lại củ sắn tươi rồi thái lát, phơi khô; đến các công ty thu mua lớn thu mua kho để xuất khẩu. Hầu hết các khâu này đều chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình mà không nhìn thấy cái mất của đại cục. Đầu nậu sẵn sàng ép giá của nông dân để mua sắn giá rẻ kiếm lời, nhà xuất khẩu sẵn sàng giảm giá thậm chí đánh nhau về giá với nhà xuất khẩu trong nước khác để giành hợp đồng. Cuối cùng chỉ có chính người Việt Nam chịu thiệt hại.
Hiện tại, Trung quốc nhập khẩu sắn lát từ 3 thị trường chính: Thái Lan, Việt Nam và mới đây mở thêm Nigeria. Tuy nhiên nếu nhìn giá xuất khẩu sắn lát Thái Lan, hầu như đều rất vững và không biến động mạnh. Trong khi đó, giá sắn lát Việt Nam đã phụ thuộc vào giá sắn lát Thái Lan rồi lại còn luôn thấp hơn giá sắn lát Thái Lan. Thực tế, nếu như các nhà xuất khẩu không giảm giá để tranh bán thì Trung Quốc sẽ mất đi 1 trong 3 thị trường chính này và sẵn sàng tăng giá để quay lại mua từ Việt Nam nếu giá Thái Lan không như họ kì vọng.
Ổn định đầu ra
Khi mà nguyên liệu đã cân bằng được, cần phải ổn định đầu ra. Vì như mọi ngành sản xuất khác, phải có đầu ra mới có vốn để tiếp tục thu mua nguyên liệu sản xuất. Nếu như xuất khẩu cồn không thể cạnh tranh được thì tốt nhất phải đem sử dụng trong nước. May mắn thay, năm 2014, chính phủ đã mạnh tay trong viẹc ép các đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải áp dụng xăng E5 trên 7 tỉnh thành phố lớn từ 1/12/2014. Và hình như lần này chính phủ làm thật với việc Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã áp dụng xăng E5 gần đây, còn các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang ráo riết đi tìm nguồn Cồn nhiên liệu khan E100 để bắt đầu lưu trữ và pha trộn.
Trớ trêu thay, PV Oil lại trở thành người có kinh nghiệm nhất trong việc áp dụng này và với việc nhà máy Cồn Dung Quốc còn hoạt động đã vô hình chung mang lại cho PV Oil nguồn xăng E5 cho chính họ và họ hiện giờ chỉ bán E5 cho bên nào cần mua, còn Cồn nhiên liệu khan E100 thì không bán. Ở cuộc chơi này, PV Oil lại đứng ở thế cao hơn khi ép các nhà đầu mối nhập khẩu xăng khác phải mua lại cả xăng lẫn cồn của chính PV Oil để theo kịp mốc 1/12/2014. Nếu không, chỉ còn một con đường là mua lại Cồn nhiên liệu khan E100 từ nhà máy cồn duy nhất còn hoạt động đến ngày hôm nay, nhà máy cồn Tùng Lâm Đồng Nai. Một mình Tùng Lâm liệu có thể còn đủ sức và khả năng cung cấp cho 13 nhà nhập khẩu xăng dầu còn lại? Hay các nhà máy cồn khác như Phương Đông, Đồng Xanh, Đại Việt … cần phải tái khởi động lại để sản xuất Cồn nhiên liệu 99% để cung cấp cho nhu cầu nội địa bất thình lình nổi lên một cách mạnh mẽ như vậy?
Tổng nhu cầu tiêu thụ xăng trong nước theo tính toán vào khoảng 16 đến 17 triệu tấn/năm. Giả sử đúng như lộ trình của Chính phủ, ngày 1/12/2015, toàn bộ xăng trong nước phải chuyển đổi thành E5, lúc đó cần tới 850.000 tấn cồn khan E100 để pha, con số này tương đương với 1 triệu khối hay 1 tỉ lít cồn. Trên thực tế, nếu như cả 7 nhà máy hoạt động trở lại và tính cả luôn cái Phú Thọ có thể hoạt động dược thì cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 700.000 khối tức 70% nhu cầu. Vậy đến năm 2015, chúng ta lấy đâu ra cồn để pha? Hay lộ trình này lại phải một lần nữa chậm lại? Đầu tư tiếp tục một nhà máy cồn khác, bao gồm cả nghiên cứu khả thi, chọn địa điểm, xây dựng, công nghệ mất ít nhất 1,5 năm (đầu tư tư nhân). Nhưng với việc đầu ra khôgn được khắng định rõ ràng, dẫn đến những người đi tắt đón đầu từ năm 2010, người dừng hoạt động người phá sản, thì liệu còn nhà đầu tư nào cảm thấy đây là một ngành kinh doanh tiềm năng để rót vốn vào.
Chúng ta đang từ chỗ, Cồn nhiên liệu không bán được, lại trở thành, không biết lấy Cồn đâu để mua mà pha trộn. Nhưng có một điều an ủi cho các nhà máy, ít nhất giờ họ đã bán được giá Cồn bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất và có thể nhìn thấy lợi nhuận ở một tương lai đâu đó.
Kỹ thuật công nghệ
Ở mục kĩ thuật công nghệ này, tôi nhận thấy có 3 vấn đề cần phải bàn tới.
1. Công nghệ xử lý nước thải khi đầu tư và vận hành: Hiện tại các nhà máy cồn đều chỉ tỉnh đến việc áp dụng kĩ thuật sản xuất mà không nghĩ đến xử lý nước thải. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta nghĩ quá đơn giản về việc xả thải và môi trường ở Việt Nam. Điều này dẫn đến không một nhà máy cồn nào ở Việt Nam không bị vấn đề về môi trường. Do đó, giả sử có đầu tư mới, xin hãy nghĩ đến việc xử lý môi trường đầu tiên; hoặc khi đã dính vào môi trường, hãy xử lý tận gốc để tiếp tục sản xuất. Bởi vì, môi trường chính là cái nhìn xa hơn cho việc sản xuất lâu dài và ổn định.
2. Kỹ thuật sản xuất từ các nguyên liệu khác nhau: Nếu sắn là một nguyên liệu còn cạnh tranh quá nhiều về tính năng sử dụng, thì hãy nghĩ đến việc sử dụng nguyên liệu thay thế. Trên thực tế, ngoài công nghệ sản xuất Cồn nhiên liệu từ mật rỉ là khác hẳn thì Công nghệ hiện tại mà các nhà máy đang áp dụng đều áp dụng trên nguyên lý lên men tinh bột. Do vậy, nói một cách đơn giản cứ nguyên liệu nào có tinh bột là có thể sản xuất Cồn nhiên liệu. Mỹ đang là nước sản xuất Cồn nhiên liệu từ Ngô lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, Gạo phải dự trữ an ninh lương thực không nhắc tới, thì Ngô ko phải là một nông sản thế mạnh; do đó chỉ còn Sắn và Khoai. Hiẹn tại giống Khoai cao sản đã cho ra những sản phẩm có độ tinh bột cao và nếu như nghiên cứu sẽ có thể đưa vào sản xuất. Hơn nữa vụ Khoai lại ngược với vụ Sắn ở miền Bắc, do vây, Khoai và Sắn nên là nguyên liệu sản xuất cồn chính ở miền Bắc. Ngoài ra, Ngô đang nhập khẩu vào nước ta khá nhiều với gía rất rẻ, nếu như lợi thế của chúng ta không phải là trồng thì hoàn toàn có thể sử dụng Ngô nhập khẩu dể sản xuất bởi vì Ngô ngoài sản xuất cồn, Mầm ngô còn dùng để tách dầu ngô, bã ngô sản xuất cồn là DDGS đang là một nguyên liệu Thức ăn gia súc rất tốt.
3. Tận thu các sản phẩm phụ: Như đã nói trong bài trước, phần lớn các nhà máy Ethanol hiện nay đều chỉ trông chờ vào sản phẩm chính là Cồn nhiên liệu mà chưa nhìn tới các sản phẩm phụ như CO2, bã sắn sấy, phân bón v.v. Hình như chỉ có các nhà đầu tư tư nhân như Đồng Xanh, Tùng Lâm mới nhìn thấy lợi ích các rác thải này đem lại tiền để bù lỗ cho nhà máy. Kinh nghiệm ở sản xuất cồn từ Sắn lát ở Trung Quốc cho thấy, họ tận thu hầu hết. Thậm chí sản phẩm bã sắn sấy khô sau sản xuất cồn họ cũng đã tạo thành một sản phẩm tiêu thụ cho Thức ăn gia súc mặc dù trên thực tế, Bã sắn sấy này không thể so sánh được với Bã ngô sấy DDGS đã phổ biến nhiều năm. Nhưng thực tế, nếu tính toán chỉ cần bán Cồn nhiên liệu với giá thành sản xuất đủ bù đắp chi phí sản xuất, nguyên liệu và vốn đầu tư thì phần thu từ các sản phẩm phụ này chính là lợi nhuận không nhỏ cho các nhà máy. Vấn đề là phát triển quá trình tận thu này như thế nào để đem lại hiệu quả và lợi ích cho chính các nhà đầu tư và xã hội.
Lợi ích của việc phát triển nhiên liệu sinh học nói chung
Cuối cùng, để kết thúc cho loạt bài này, tôi muốn nhắc lại các lợi ích từ việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Ngoài các lợi ích mà bạn có thể tìm thấy trên mạng như:
– Giảm thiểu việc sử dụng và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (Xăng từ dầu mỏ, khai thác mãi cũng hết. Cồn từ Sắn, hết lại trồng, nên có tên khác gọi là nhiên liệu tái tạo)
– Giảm thiểu ô nhiễm không khí. Xăng E5 giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2. Ngoài ra, lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng truyền thống, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.
– Tốt cho động cơ. Do ethanol có trị số Octan cao tới 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số Octane (tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu). Thêm vào đó, với hàm lượng ôxy cao hơn xăng thông dụng, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.
– Chi phí rẻ hơn và ổn định hơn. Xăng hiện tại phải nhập khẩu và phụ thuộc khá nhiều vào giá dầu thô trên thế giới, trong khi đó Cồn nhiên liệu lại sản xuất trong nước, và ổn định nếu như ổn định được nguồn nguyên liệu sắn.
thì tôi muốn nhấn mạnh vào một lợi ích cuối cùng mà ít người nghĩ tới. Đó là Phát triển cồn nhiên liệu pha xăng sẽ đem lại lợi ích to lới và ngành nghề ổn định cho người nông dân. Trong khi, các cấp chính quyền và cả người nôgn dân cứ vẫn phải nghĩ trông cây gì nuôi con gì để phát triển nông nghiệp; trong khi nước ta vẫn căn bản là một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, thì việc ổn định một ngành trồng sắn và sản xuất nguyên liệu cồn sinh học chính là một hướng đi đúng đắn đem lại lợi ích và thịnh vượng cho người nông dân.
Trần Thanh Tân
Tháng 11/2014
Meoluoi
- Edit
Chào anh,
Em cảm thấy bài viết của anh rất hữu ích, cung cấp nhiều thông tin và thể hiện được quan điểm tích cực của một người dân Việt Nam.
Hiện tại, nhà nước mới áp dụng việc đánh thuế xuất khẩu sắn lát 5% nhằm mục đích tạo nguồn nhiên liệu đầu vào dồi dào, hỗ trợ việc sản xuất xăng E5. Liệu anh có thể chia sẽ suy nghĩ của anh về vấn đề này không ạ?
Em rất mong sớm nhận được hồi âm của anh!