Ngành sắn lát và sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn lát Việt Nam – Khó khăn ở đâu?
Lúc đầu định lấy tên giống kiểu các đề tài Ngành sắn lát và sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn lát Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Nhưng nghĩ kĩ lại thì chẳng có giải pháp gì nên không thể bắt chước các vị giáo sư nghiên cứu đó được. Làm kinh doanh là phải thực tế nên nhìn thẳng vào các khó khăn mà suy nghĩ.
(Ghi chú: Toàn bộ phân tích trên là của tác giả, tôi chỉ dẫn lại phần thấy có phần hợp lý và chính xác. Một số quan điểm và tính toán của tác giả không chính xác tôi đã chỉnh sửa lại. Kì sau lối ra sẽ chỉnh lại một số ý kiến theo quan điểm của tôi)
Khó khăn về nguyên liệu
Ở Việt Nam, nguyên liệu sắn sẵn có với sản lượng mỗi năm khoảng 10 triệu tấn củ sắn tươi (theo số liệu Cục trồng trọt diện tích sắn của cả nước năm 2011 đạt 559,6 nghìn ha, sản lượng 9,87 triệu tấn, trong đó Tây Nguyên có diện tích lớn nhất chiếm 158,5 nghìn ha, kế tiếp là Đông Nam bộ với 132,9 nghìn ha, trung du miền núi phía Bắc 117,2 nghìn ha, Duyên hải Nam Trung bộ – 72,1 nghìn ha và Bắc Trung bộ 65,3 nghìn ha; năng suất bình quân 29 tấn/ha). Các giống sắn Việt Nam hiện tại có hàm lượng chất khô khoảng 38-40%, như vậy 10 triệu tấn sắn tươi chúng ta có 4 triệu tấn sắn lát khô. Các nhà nhập khẩu của Trung Quốc mua sắn lát của Việt Nam để sản xuất ra Ethanol với số lượng năm nay ước khoảng 2 triệu tấn. Ngoài ra, các nhà máy thức ăn gia súc cũng mua sắn lát làm nguyên liệu với con số từ 500 ngàn đến 1 triệu tấn. Đó là chưa kể đến một số lượng lớn sắn lát tươi đã đi trực tiếp vào các nhà máy sản xuất tinh bột để sản xuất tinh bột sắn, số lượng này có thể được bù lại bởi lượng sắn từ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 50%. Như vậy sắn lát để sản xuất cồn nguyên liệu chỉ còn khoảng 500 ngàn tấn, trong khi nhu cầu của 5 nhà máy phía Trung và Nam (ko tính đến nhà máy Phú thọ chưa thành hình) đã lên tới hơn 1 triệu tấn. Cung không đủ cầu.
Như đã thông tin, giá sắn lát những năm qua biến động rất mạnh, bị đẩy lên quá cao từ 1.500 đồng/kg (năm 2008) lên tới 6.000 đồng/kg (năm 2011) và giữa năm nay đang ở mức 4.700 – 5.000 đồng/kg (Giá hiện tại đã lên 5200đ/kg). Hệ số K đẻ sản xuất cồn 99% hiện nay của sắn là từ 3,5 đến 3.7, có nghĩa là cấu thành chi phí nguyên liệu sắn lát trong sản xuất Ethanol chiếm khoảng 40% – 45% giá thành sản xuất Ethanol (chưa kể các chi phí khác như than, nhân lực, men, điện, nước, khấu hao …) Nếu giá sắn lát ở mức 5000 đồng/kg thì giá hòa vốn của Cồn nhiên liệu sẽ phải đạt khoảng 15000đ/lít đến 16000đ/lít. Khi mà chương trình xăng E5 chưa được áp dụng, nếu xuất khẩu với giá USD 630-650/khối thì mỗi lít Cồn nhiên liệu chịu lỗ khoảng 3000đ/lít đến 4000đ/lít. Nếu nhà máy sản xuất 100.000.000 lít (100.000 khối) thì số lỗ là 300 đến 400 tỉ mỗi năm. Chắc rằng không ai can đảm cho nhà máy của mình chịu lỗ lớn như vậy. Nếu giá nguyên liệu xuống thấp dưới mức 3.500 đồng/ 1 kg sắn lát thì nông dân không có lời, họ sẽ không trồng sắn rồi nhà máy sẽ không có nguyên liệu để sản xuất. Ở Việt nam, cây sắn phát triển gần như tự phát theo thị trường xuất khẩu và nhu cầu của Trung Quốc. Những năm nào giá sắn thấp như 2003-2004, 2007-2008 thì nông dân trồng ít, năm nào giá cao 2011 thì nông dân trồng ồ ạt: bỏ bắp để trồng sắn, chặt điều và cà phê để trồng sắn và khi được mùa thì lại bị mất … giá.
Theo phân tích của chúng tôi, trong toàn bộ chuỗi giá trị của cây sắn từ người nông dân đến nhà máy thì các khâu trung gian: chi phí nhổ, gọt, phơi, bao bì, chi phí cho các cấp đại lý thôn, xã, huyện, vùng và các chi phí logistic rất cao cũng là bài toán rất khó cho cây sắn và chắc chắn các nhà máy Ethanol phải gánh chịu tất cả chi phí đó.
Thực tế, câu chuyện biến động giá sắn đâu phải chỉ các doanh nghiệp Việt Nam quyết định được. Nếu Trung Quốc vét hết hàng thì giá bị đẩy lên cao, nếu Trung Quốc buông tay thì giá nội địa bị rớt thê thảm.
Các nhà máy sản xuất Ethanol từ sắn khi thiết kế chỉ dùng được mỗi sắn lát, nếu thiếu hoặc không có sắn thì không thể dùng nguyên liệu nào khác để thay thế (bắp, mía, lúa mỳ…).
Mỗi nhà máy công suất 100.000 khối mỗi năm cần ít nhất 240.000 tấn sắn, mỗi ngày cần 800 tấn sắn và vấn đề tổ chức thu mua, vận chuyển nguyên liệu không hề đơn giản. Bản chất câu chuyện kinh doanh sắn lát rất … không chuyên nghiệp, uy tín các nhà cung cấp cũng là vấn đề: nhiều lô hàng dù mua qua đấu giá, có ký quỹ nhưng gặp phải đối tác “rởm” làm bậy không có hàng chẳng lẽ nhà máy phải dừng sản xuất. Việc kiểm soát thu mua quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng nhập kho. Nếu kiểm chặt quá ta chỉ mua hàng đúng dưới 14% độ ẩm thì không ai có hàng để giao, nếu độ ẩm cao quá thì hao hụt “khủng”, tiền ta bốc hơi bất kỳ lúc nào không biết và chi phí sắn chắc chắn sẽ cao hơn nữa. Chiến lược nguyên liệu, khả năng tổ chức, nhân sự thu mua, tài chính thu mua, đầu tư hệ thống kho bãi … củng là vấn đề khó cho các nhà máy.
Vậy làm sao để ổn định vùng trồng sắn, nâng cao năng suất hơn nữa để có lợi cho bà con? Làm sao để ổn định giá, bảo hiểm giá và bao tiêu đầu ra cho nông dân trồng sắn? Với mức giá nào thì nông dân trồng sắn có lợi và nhà máy cũng có lời?
Khó khăn về đầu ra sản phẩm
Xuất khẩu Ethanol:
Thị trường Ethanol Việt Nam còn rất nhỏ và mới nên giá bán thường thấp, thực tế cồn Brazil cạnh tranh khốc liệt, giá thành 1 lít Ethanol từ mía do Brazil sản xuất ra khoảng 0,45 USD/lít và chỉ bằng 70% giá thành Ethanol của Việt Nam. Đã xảy ra điều nghịch lý là giá xuất khẩu Ethanol nhiên liệu – cồn tuyệt đối 99,8% lại thấp hơn giá bán cồn công nghiệp 95%. Hiện nay Ethanol nhiên liệu đang bán ở mức 670 USD/ khối tương đương khoảng 14.150 đồng / lít FOB HCM. Chưa kể tính đến chi phí vận chuyển từ kho bồn ra bồn cảng, chi phí xây dựng bồn cảng, chi phí xuất khẩu, giám định, v.v. Sau khi trừ lùi, giá thành xuất khẩu EXW chỉ đạt còn có 14.000đ/lít
Tại Brazil: nhà máy Ethanol Brazil tự sản xuất khép kín từ khâu trồng trọt – thu hoạch mía – sản xuất đường kết hợp sản xuất Ethanol và sản xuất điện. Brazil tự chủ hầu hết các công nghệ và được tổ chức khoa học. Ở các nhà máy tự động hoá hầu hết từ việc bón phân, phun thuốc bằng phi cơ, thu hoạch bằng máy cắt và cả vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm cũng được đưa vào quy trình. Khâu xử lý chất thải được xử lý bằng cách bơm trực tiếp ra cánh đồng mía bạt ngàn làm phân bón cho cây. Khâu thành phẩm được vận chuyển tới tận các nơi sử dụng bằng hệ thống đường ống dẫn Ethanol và hệ thống bơm. Hơn hết, mỗi nhà máy hầu như tự chủ về nguồn nguyên liệu và trực tiếp quản lý đất (tùy theo quy mô dự án mà chính phủ cấp đất: ví dụ công suất 100.000 khối Ethanol sẽ được cấp khoảng 50.000 ha dất), điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi cho việc trồng mía như đất đai màu mỡ, mưa nắng phù hợp và nông trại mía không cần phải tưới tiêu. Kết quả là năng suất mía của Brazil rất cao vào khoảng 100 tấn mía/ha/vụ cao hơn hẳn nước khác ( Việt Nam 40-60 tấn mía/ha/vụ) và chi phí sản xuất đường, Ethanol rất thấp.
Tiêu thụ Ethanol trong nước:
Thử nghiệm bán xăng E5 từ năm 2010 coi như thất bại. Các nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến như việc truyền thông giới thiệu, quảng bá những lợi ích, kiến thức về xăng sinh học E5 đến người dân chưa tới và sự nhầm lẫn nguyên nhân cháy xe là do pha Ethanol. Thực tế, các mẫu xăng nghi ngờ gây ra cháy xe là do pha trộn trên 15% Methanol, một số nghiên cứu đã chỉ rõ Methanol nếu pha trộn cao làm cho động cơ xe bị nóng và các thiết bị, ống dẫn zoan cao su bị giãn nở có thể gây cháy xe. Một lý do khác nữa đó là “lợi ích nhóm”, hầu như chỉ có Petro Vietnam là tích cực nhất trong chương trình này, còn các nhà phân phối xăng dầu khác thì … lắc đầu làm ngơ bởi vì họ chưa nhận thấy được cái lợi trong việc pha xăng E5 này (chưa nói đến hại vì giảm bớt lượng nhập khẩu đi mất 5%). Và cuối cùng, các đại lý xăng dầu không mặn mà với việc phân phối Ethanol do xưa nay nhiều cây xăng thẳng tay “móc túi” khách hàng bằng số lượng, pha trộn xăng rẻ tiền hơn như A83, dầu hoả…nay nếu bán xăng E5 thì phức tạp lắm lắm mà nhất là khoản kiểm định lại thiết bị…, phải dành một số trụ bơm bán E5 rồi bỏ không trong khi các trụ bơm xăng khác hoạt động không xuể.
Các nhà máy Ethanol nếu bán cho các nhà phân phối theo giá xuất khẩu thì lỗ nặng, còn bán giá cao cho các nhà phân phối trong nước (cỡ giá thành sản xuất thôi) cũng khó vì họ sẽ không mua nổi nếu giá thành E100 cao: số lượng hiện tại ít, chi phí đầu tư hệ thống bồn chứa, pha trộn, vận chuyển tốn kém. Do vậy mặc dầu có đầy đủ tiêu chuẩn và quy chuẩn về việc sử dụng xăng E5 tại Việt Nam, nhưng tính đến giữa 2014, chưa có một cửa sáng nào cho ngành sản xuất Xăng nhiên liệu Việt Nam
Khó khăn về tài chính, kinh tế, quản lý dự án
Lãi vay quá cao: nếu tính ra riêng một nhà máy Ethanol đã ngốn 100 triệu USD trong đó với 30% vốn tự có và 70% vốn vay khoảng 70 triệu USD (cả VND và USD với tỷ lệ 50%). Với tỷ lệ lãi vay hiện nay 15%/năm đối với VND và 5%/năm đối với USD thì tính ra mỗi năm nhà máy phải trả khoảng 7 triệu USD. Chưa tính đến các yếu tố rủi ro khác như tỷ giá vào thời điểm vay USD thấp nhưng khi trả thường rất cao.
Việc thu xếp tài chính cho dự án cũng là câu chuyện dài dòng, nếu không may rơi vào chu kỳ khó khăn như hiện nay thì chi phí trả lãi vay, chi phí điện nước hoạt động, lương nhân viên mỗi tháng cũng xấp xỉ “triệu” USD … nhức đầu lắm lắm !
Chi phí suốt quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam thường rất cao: chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí về thời gian (do thời tiết, do tranh chấp, khiếu kiện…) khiến dự án càng kéo dài càng tốn kém (ít nhất là lãi vay).
Quản lý dự án: hầu hết các dự án được thực hiện dưới dạng chìa khoá trao tay (EPC turnkey) nhưng vẫn còn quá mới lạ đối với Việt Nam và dù có ký theo dạng chìa khóa trao tay thì không có dự án nào mà không bị …phát sinh thêm tiền khi nhận chìa khóa, thậm chí có dự án phát sinh gần 50%.
Lựa chọn suất đầu tư: các dự án Ethanol tư nhân lựa chọn xuất đầu tư khoảng 600 tỷ VND / công suất 100.000 khối năm còn dự án PVN thì có tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ (cao hơn gấp 4 lần). Nếu suất đầu tư ít quá thì có thể vấp phải vấn đề chất lượng thiết bị, chất lượng công nghệ, nhưng nếu cao quá thì không có nghĩa là sản phẩm sẽ tốt hơn, chắc chắn là khấu hao, lãi vay phân bổ vào 1 lít Ethanol sẽ không hề nhỏ.
Kỹ thuật công nghệ
Tính đồng bộ: 5 nhà máy Ethanol của Việt Nam với thiết kế gần như 100% khác nhau, ngay cả 3 nhà máy Ethanol của PVN cũng hoàn toàn khác nhau: lựa chọn công nghệ, thiết bị khác nhau, hiệu suất khác nhau, kết nối vận hành khác nhau, giải pháp kho bãi, xử lý nguyên liệu củng khác nhau… khiến cho việc học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà máy là không thể.
Vấn đề xử lý nước thải: không phải vô cớ mà chuyên gia Nguyễn Lân Dũng nói rằng để bảo vệ môi trường chỗ này lại gây ô nhiễm ở chỗ khác. Vấn đề ô nhiễm, tôm cá chết hàng loạt tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Thuận gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Không nhà thầu nào đảm bảo, cam kết tiến độ ở khu vực xử lý nước thải. Rất nhiều dự án mất hàng năm trời loay hoay vẫn chưa ổn định được “tập đoàn vi sinh” để đạt được công suất xử lý nước thải theo thiết kế. Trên thực tế, các phân xưởng nước thải rất rất khó theo được công suất của phân xưởng chính nên tổng công suất khó đạt được 100% (do nước thải xử lý không kịp). Có dự án, nước thải không có khu vực chứa đệm nên phải phải đưa trực tiếp nước thải sau khi chưng tách Ethanol vào phân xưởng xử lý nước thải. Nếu phân xưởng nước thải “ho hen – sổ mũi” thì toàn bộ nhà máy sẽ dừng ngay lập tức.
Ngoài ra, phần lớn các nhà máy Ethanol hiện nay đều chỉ trông chờ vào sản phẩm chính là Cồn nhiên liệu mà chưa nhìn tới các sản phẩm phụ như CO2, bã sắn sấy, phân bón v.v. Hình như chỉ có các nhà đầu tư tư nhân như Đồng Xanh, Tùng Lâm mới nhìn thấy lợi ích từ các rác thải này đem lại tiền để bù lỗ cho nhà máy, còn lại các nhà máy khác đang để dành đống tiền này lại để tính kế khác và vẫn tiếp tục báo lỗ khi trông chờ vào Cồn.
Chưa có sự đồng bộ về chính sách.
Trong khi tâm lý người dân còn e dè, thiếu hiểu biết về xăng E5 thì các doanh nghiệp rất uể oải, chán nản. Các chính sách của nhà nước đâu đó cũng đã ban hành như chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 – tầm nhìn đến năm 2025 đã ban hành năm 2007, chính sách thử nghiệm E5 tại một số thành phố, các dự án nghiên cứu nông nghiệp hỗ trợ cây sắn … nhưng lại thiếu tính đồng bộ, còn chưa đủ mạnh và chưa có nguồn lực để thực hiện. Quan trọng nhất, quy định bắt buộc pha & sử dụng E5 với nhiều lợi ích mà ai củng biết như góp phần bảo vệ môi trường, giảm bớt ngoại tệ nhập xăng dầu, tạo lợi ích cho hàng triệu nông dân nghèo trồng sắn … chưa biết đến khi nào ban hành.
Ở tất cả các nước, dự án Ethanol được chính phủ hỗ trợ về chính sách ưu đãi đầu tư, miễn thuế, phí. Các chính sách hỗ trợ cho nguyên liệu ổn định: can thiệp vào thị trường để bình ổn giá bằng chính sách thuế xuất khẩu, các rào cản thương mại. Các nước như Thái lan có chính sách tạm trữ sắn đảm bảo giá tối thiều cho nông dân trồng sắn có lời…
Nếu không có sự ra tay, sự điều tiết bằng các chính sách quyết liệt của nhà nước thì các nhà máy Ethanol mới toanh kia với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư liệu có đứng vững nổi và vượt qua cơn bão này?
Kỳ cuối: Lối ra nào cho ngành sản xuất Ethanol non trẻ của Việt Nam.