Ngành sắn lát và sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn lát Việt Nam (phần 2)

Danh sách các nhà máy cồn tại Việt Nam (cập nhật)

Các nhà máy Cồn nhiên liệu lớn của Việt Nam công suất từ 50.000- 100.000 m3/năm, dùng chủ yếu sắn lát làm nguyên liệu đầu vào bao gồm các nhà máy sau:

Nhà máy Ethanol Dung Quất – Quảng Ngãi (Trực thuộc BRS)

Công suất 100.000 m3/ năm, sử dụng khoảng 220.000 tấn sắn lát. Nhà máy này được PVN tiến hành đầu tư từ năm 2008 và có sản phẩm chạy thử vào tháng 02/2012. Tuy nhiên, nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào (sắn lát) quá cao nếu chạy càng nhiều nhà máy sẽ càng lỗ nặng.

Ngoài ra, kỹ thuật khâu xử lý nước thải của nhà máy cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, do vậy, nhà máy Ethanol Dung Quất phải tạm dừng sản xuất từ tháng 07/2012. Năm 2014 dưới sức ép của Chính phủ thực hiện việc áp dụng xăng pha cồn E5 trên 7 tỉnh thành phố lớn từ 1/12/2014, nhà máy tái khởi động. Hiện tại toàn bộ cồn Nhiên liệu của nhà máy cung cấp cho PVN pha xăng E5 và không bán ra ngoài.

Nhà máy Cồn nhiên liệu sinh học Phương Đông OBF – Bình Phước

Nằm cách thị xã Đồng Xoài 60 km về phía Đăk Nông và đặt tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Công suất 100.000 m3/năm, sử dụng 220.000 tấn sắn lát  mỗi năm. Nhà máy trực thuộc Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) là liên doanh giữa tập đoàn Itochu – Nhật bản (49%), PV Oil (thuộc PETROVIETNAM) (29%) và Licogi 16 (22%), bắt đầu xây dựng năm 2009 và bắt đầu chạy thử vào tháng 4/2012.

Do tình hình đầu ra khó khăn nên nhà máy Ethanol OBF- Bình Phước cũng quyết định dừng sản xuất từ đầu tháng 8/2012. Sau đó Itochu cũng đã bán lại phần vốn góp của mình cho Tập đoàn Toto Thái lan với mức giá không được tiết lộ. Còn lại Licogi 16 dưới sức ép cổ đông cũng đã tìm cách thoái vốn khỏi nhà máy nhưng chưa có thông tin chính xác. Hiện tại nhà máy OBF vẫn đóng cửa do thiếu vốn hoạt động.

Nhà máy cồn Đại Việt – Đắc  Nông

Nhà máy cồn Đại Việt- Công ty TNHH Đại Việt đặt tại khu công nghiệp Tam Thắng, huyện Củ Zút, tỉnh Đăk Nông. Công suất 50.000 tấn cồn mỗi năm, sử dụng nguyên liệu từ sắn lát tại địa bàn Đăk Nông và Đăk Lak. Ngoài ra nhà máy cũng đã nghiên cứu và sử dụng được nguyên liệu mật rỉ từ các nhà máy đường khu vực miền Trung, tuy nhiên vấn đề về xử lý chất thải của sản xuất mật rỉ của nhà máy hiện đang là vấn đề đau đầu.

Hiện tại nhà máy cồn Đại Việt chủ yếu sản xuất cồn thực phẩm 95-96% cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhà máy Đồng Xanh – Quảng Nam

Ngày 02/04/2011 công ty cổ phần Đồng Xanh đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động. Nhà máy sử dụng sắn lát làm nguyên liệu và có công suất 100.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Đây là dự án sản xuất Ethanol thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất Việt Nam tính cho đến thời điểm này, nhà máy đặt tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nguồn nguyên liệu cho nhà máy chủ yếu được đưa về từ Tây Nguyên ( Gia Lai, Kon Tum). Dự kiến nhà máy này chạy hết công suất thì mỗi năm cần trên 200.000 tấn sắn lát khô. Sản phẩm của nhà máy là Ethanol tuyệt đối (99,5%) dùng để pha vào xăng (E5- E10), sản phẩm phụ là CO2­­ lỏng và phân vi sinh. Do giá nguyên liệu sắn lát đầu vào tăng cao, đồng thời giá xuất khẩu ethanol cũng không tốt nên nhà máy này cũng đã quyết định dừng sản xuất từ tháng 7/2012. Tháng 12/2012 nhà máy bị người lao động, người dân phong tỏa do nợ lương và tiền nguyên liệu. Các ngân hàng cho vay vốn là Techcombank và BIDV cũng tiến hành phong tỏa để thu hồi nợ. Nhà máy chính thức tuyên bố phá sản năm 2013 và để Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào giải quyết. Năm 2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã cho phép BIDV được phát mại nhà máy cồn để thu hồi nợ.

Nhà máy Ethanol Tùng Lâm

Vị trí nhà máy đặt tại Xã Xuân Hoà, Huyện Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai, công suất thiết kế 60.000 tấn ethanol / năm với nguyên liệu đầu vào là sắn lát tại khu vực Đông Nam Bộ. Sản phẩm của nhà máy này khá đa dạng: cồn thực phẩm 95%, Ethanol nhiên liệu 99,5%, ngoài ra còn các sản phẩm phụ như dầu FUSEN và CO­­­­­­­­­­­2­­ lỏng. Nhà máy Ethanol Tùng Lâm cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào năm 2010.

Năm 2011 và 2012, nhà máy gặp liên tiếp vấn đề về xử lý nước thải cộng với việc tnình hình giá sắn lát đầu vào tăng mà giá xuất khẩu thấp, chủ sở hữu là công ty TNHH Tùng Lâm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi mà các nhà máy cồn tư nhân khác đều phá sản thì Tùng Lâm hiện tại là nhà máy tư nhân duy nhất bán mặt hàng cồn khan 99,5% để pha xăng cho các nhà nhập khẩu xăng dầu đầu mối.

Nhà máy Ethanol Phú Thọ

Được liên doanh giữa PV Oil (30%), SeaBank và một số đối tác. Công suất thiết kế 100.000 m3/ năm. Nhà máy bắt đầu khởi công từ năm 2009 và đến nay chưa hoàn thành. Nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề vốn và quản lý dự án. Nguồn nguyên liệu theo nghiên cứu ban đầu chủ yếu là từ Phú Thọ và Tây Bắc, nhưng theo nhận định thì nguồn này không ổn định về lượng và giá vì thường xuyên bị thương lái gom hàng xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc.

Tổng hợp số liệu các nhà máy sản xuất ethanol từ sắn lát

Nhà máy Công suất(m3/năm) Nguyên liệu đầu vào(tấn sắn lát/năm) Sản phẩm đầu ra
Ethanol DungQuất(Quảng Ngãi) 100.000 220.000 Cồn nhiên liệu, phân vi sinh, bã sấy
OBF – Bình Phước  100.000 220.000 Cồn nhiên liệu
Cồn Đại Việt(Đăk Nông) 50.000 N/A Cồn 95, 95%
Đồng Xanh(Quảng Nam) 100.000 200.000 Ethanol, CO­2 lỏng, bã sấy, phân vi sinh
Ethanol Tùng Lâm  60.000 180.000 Ethanol, CO­2 lỏng, bã sấy, phân vi sinh, dầu FUSEN.
Ethanol Phú Thọ 100.000 N/A Ethanol

Kì tiếp: Ngành sản xuất Cồn nhiên liệu Việt nam gặp những khó khăn gì?

Bình luận

bình luận

Add Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.