Đây là kết quả thăm dò của VnExpress chụp vào lúc 10h50′ ngày 7/5, tức là khoảng 3 ngày sau ngày bắt đầu thăm dò. Tỉ lệ biểu quyết cho thấy trong hơn 36 nghìn người đã cho ý kiến, chỉ có 17% cho rằng lạm phát sẽ dưới 15%. Tiếp theo, 15.7% thì không lạc quan thế, họ nghĩ rằng tỉ lệ lạm phát phải từ 15% đến 18%. Và con số cuối cùng, 67,4% người tham gia đã nghĩ một cách bi quan rằng tỉ lệ lạm phát năm nay phải lớn hơn con số 18%.
Nếu xét về mẫu thăm dò thì đa số phần lớn độc giả của VnExpress đều là những người trong độ tuổi trẻ, ít nhất cũng phải trên 20 tuổi và không giới hạn số tuổi trên, cho đến khi không vào Internet được. 100% trong số họ biết sử dụng Internet, điều này là tất nhiên, vì ít nhất là họ đã sử dụng được trình duyệt để vào được VnExpress. Và như thế, theo ước lượng thì trình độ học vấn của họ ít nhất trên 50% là Đại học và Trên Đại học. Đối với 50% này, họ hiểu và quá hiểu thế nào là lạm phát, tại sao lạm phát và Việt nam có đang lạm phát hay không.
Chính vì thế, có thể thấy rằng, họ, những người đang hiểu tình hình kinh tế của đất nước, bi quan thế nào về tình hình lạm phát ở đất nước ta. Khi mà giá tiêu dùng tiếp tục tăng, lương không nhúc nhích và nhà nước vẫn phải trợ giá để các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu … không tăng cho phù hợp với thị trường, thì việc họ bi quan là hoàn toàn có lý.
Trong kinh tế học, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Nghĩ một cách đơn giản, ngày xưa với số tiền đó, bạn mua được một giá trị này, thì đến bây giờ, với số tiền đó, bạn mất đi sức mua và không thể mua được giá trị đó. Mỗi năm có một tỉ lệ lạm phát khác nhau và nó phản ánh giá trị của đồng tiền năm sau so với năm trước như thế nào. Và với tỉ lệ lạm phát 2 chữ số một năm, lạm phát nước ta được xếp vào mức lạm phát phi mã. Nó chỉ kém mức cao nhất của tình trạng nền kinh tế bị mất kiểm soát là siêu lạm phát mà thôi.
Tại sao chúng ta lại nói về điều này, bởi vì lạm phát gây ra nhiều hậu quả đến nền kinh tế hơn chúng ta tưởng. Thứ nhất, giá tiêu dùng tăng trong khi thu nhập không tăng kịp với giá, điều này chắc ai đi làm cũng đều cảm thấy, và dẫn đến việc mức sống trung bình sẽ bị giảm đi nhanh chóng. Nó giống như việc ngày xưa, mỗi tháng gia đình chúng ta chỉ cần tiêu 3.000.00đ(một cách ví dụ) để đủ sống thì giờ sẽ phải tiêu lớn hơn số đó 18%, có nghĩa là chính xác 3.540.000 đ Nhưng nếu bạn chưa đến kì tăng lương, thì tốt nhất bạn nên chi tiêu ít đi để đủ với mức 3.000.000 đ mà bạn đang có.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp, không thể phát triển nhanh bằng lạm phát, để giá trị thặng dư tạo ra lớn hơn những gì đã bỏ ra, thì chỉ có cách tiết kiệm chi phí. Và khi không còn cách nào tiết kiệm chi phí được nữa, doanh nghiệp sẽ phải nghĩ đến việc cắt giảm nhân sự. Việc này gây ra tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh chóng, và những hậu quả của thất nghiệp chính là các vấn đề về an sinh xã hội và tệ nạn xã hội.
Lạm phát còn gây ra gì nữa? Điều thứ ba, đó là việc giữ tiền của các chủ thể trong xã hội. Khi lạm phát tăng lên, nó giống như một thứ thuế đánh vào người giữ tiền và khi lãi suất danh nghĩa bằng lãi suất thực tế cộng với tỷ lệ lạm phát mà nhỏ hơn không (0); thì điều này có nghĩa là lạm phát làm cho người ta gửi tiền mà mất đi giá trị. Khi đó họ cần phải thường xuyên đến ngân hàng để rút tiền hơn. Các nhà kinh tế đã dùng thuật ngữ “chi phí mòn giày” để chỉ những tổn thất phát sinh do sự bất tiện cũng như thời gian tiêu tốn mà người ta phải hứng chịu nhiều hơn so với không có lạm phát (đoạn này lấy trên Wikimedia, chỉ cho vui vẻ hơn chút) Còn thực sự, khi nguồn vốn của các chủ thể trong xã hội không được huy động mà chuyển thành các giá trị bền vững hơn so với lạm phát (ngoại tệ và vàng) thì nền kinh tế cũng không thể nào phát triển tốt được.
Cuối cùng, lạm phát sẽ đẻ ra lạm phát. Tại sao ư? Tại vì khi nhận thấy có lạm phát, cá nhân với dự tính duy lý sẽ cho rằng tới đây giá cả hàng hóa sẽ còn tăng, nên đẩy mạnh tiêu dùng hiện tại. Tổng cầu trở nên cao hơn tổng cung, gây ra lạm phát và biến động trong xã hội. Điều này giải thích tại sao có cơn sốt mua gạo vừa rồi tại TP Hồ Chí Minh. Có 2 nguyên nhân, một là do tình hình thị trường gạo có biến đổi, nhưng nguyên nhân thứ hai thì ai cũng nhận ra là giá gạo tăng hơn so với trước đây rất nhiều. Và nếu không mua bây giờ, sau này với số tiền đó, mua được số gạo ít hơn, chắc chỉ có nước chết đói
Rồi thì kết luận sao bây giờ ? Lạm phát là thế ? Người ta nghĩ thế ? Tôi thì nghĩ rằng với một tinh thần lạc quan, tôi vẫn hy vọng là lạm phát sẽ ở con số 15% thôi. Điều này cũng có nghĩa là số lương tôi nhận được chỉ có giá trị bằng 85% số lương trước đây, nhưng dù sao với hoàn cảnh bây giờ, chưa có gia đình, tôi vẫn thấy mọi thứ bình thường. Chỉ có điều, một số tiêu dùng lãng phí trước đây cần phải cắt xén đi, và nộp cho mẹ nhiều hơn để mẹ còn chi tiêu