Giới thiệu về Google Adwords (P.2)

Phần giới thiệu về Google Adwords trước có vẻ như chưa đủ, vì tôi đã đụng vào 1 khái niệm mới, ngành quảng cáo trực tuyến. Vì thế tôi tiếp tục phần 2 của Giới thiệu về Google Adwords.

Hôm nay, tôi có thêm một số khái niệm nữa, đầu tiên là để giải thích cho Quality Score mà Google đánh giá cho mỗi quảng cáo của bạn như thế nào. Thứ nhất, đầu tiên và trước tiên, quảng cáo của bạn phải rõ ràng rành mạch, ít các dấu ngắt và không có nội dung vi phạm Quy định của Google. Google sẽ chấp nhận (approve) quảng cáo của bạn. Tuy nhiên, một quảng cáo có chất lượng nhất, lại chính là một quảng cáo có tỉ lệ click cao nhất sau mỗi lần hiện ra. Và trong ngành quảng cáo trực tuyến, người ta gọi nó là Click Through Rate (CTR)

Hãy bắt đầu với một vài khái niệm. Mỗi khi quảng cáo của bạn hiện ra trên màn hình máy tính, cho dù có vào mắt của người dùng hay không, người ta gọi đó là một lần hiện hay còn gọi là impression. Đây là đơn vị cơ bản nhất và nhỏ nhất của Quảng cáo trực tuyến (QCTT). Một số trang quảng cáo tính giá theo impression. Và cứ mỗi 1000 cái impression, người ta định giá cho nó và gọi là Chi phí cho 1000 lần hiện (CPM – Cost Per thousand impression, chữ M ở đây ko phải là tiếng Anh, nó là số La Mã, M = 1000).
Như lần trước bạn đã làm quen với CPC là Chi phí cho 1 click (Cost Per Click) thì bây giờ bạn sẽ làm quen với 1 khái niệm mới. Đó là CTR – Click Through Rate. Click Through Rate là tỉ lệ giữa số lượng click lên quảng cáo của bạn và số impression đã hiện ra. Công thức của nó là
Click Through Rate = (number of clicks/number of impression) x 100%
Ví dụ: Nếu quảng cáo của bạn được hiển thị 1000 lần và được click 13 lần thì CTR là 1,3%
Như vậy, CTR càng cao, điều đó càng chứng tỏ là mẫu quảng cáo của bạn càng hấp dẫn, và Google dùng cả tiêu chí này để đánh giá có nên đưa mẫu quảng cáo của bạn lên đầu hay không.

Vì sao lại thế? Chắc chắn bạn sẽ hỏi câu hỏi này. Đơn giản bởi vì quảng cáo có tỉ lệ CTR càng cao, Google càng thu được nhiều tiền hơn, vì cứ mỗi click, bạn đã phải trả tiền cho Google rồi. Quanh đi quẩn lại, vấn đề quan trọng nhất vẫn là lợi nhuận mà thôi. Google công bố sự tính tóan này cho mỗi keyword và để cho bạn biết mà cố gắng. Hãy xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn:

Cho rằng bạn trả đến $0.50 cho từ khóa “quảng cáo trực tuyến” (maximum CPC = $0.50), tỉ lệ click trên lần hiện của bạn là 4% (CTR = 4%), bạn sẽ nhận được “Position Value” là 2 (0.50 x 4 = 2). Position Value càng cao thì quảng cáo của bạn sẽ cao.

Tiếp tục, cho rằng đối thủ cạnh tranh của bạn trả maximum CPC cho từ khóa “quảng cáo trực tuyến” là $0.20, CTR của họ là 5%, thì suy ra “Position Value” của họ là 1 (0.20 x 5 = 1)

Vì bạn đạt được “Position Value” cao hơn nên quảng cáo của bạn cũng được đặt trên quảng cáo của đối thủ cạnh tranh. Và nhờ chức năng Adwords Discounter nên bạn chỉ trả $0.21 cho mỗi click. Nếu như đối thủ cạnh tranh của bạn muốn vượt qua bạn, không có cách gì, họ phải đưa ra mức giá maximum CPC ít nhất là $0.41

À thế Adwords Discounter là cái gì thế? Đó là 1 công cụ cho phép bạn đưa ra mức giá (bidding) cao nhất cho mỗi CPC, rồi Google sẽ tự động đưa ra mức giá cao hơn đối thủ cạnh tranh của bạn 1 cent. Chức năng này y hệt chức năng Auto-biding của eBay mà tôi đã biết nên rất dễ hiểu. Và dể giải thích, tôi quay lại ví dụ trên. Ở ví dụ trên, đối thủ cạnh tranh của bạn có CTR cao hơn bạn, do vậy họ chỉ cần đưa ra mức giá $0.51 là đã vượt qua bạn về nhiều mặt, kể cả Position lẫn CPC bidding. Bạn sau 1 hồi tính toán, đưa ra mức giá là $0.70 cho mỗi CPC vì bạn nghĩ bạn đang kém đối thủ, và cũng ko biết đối thủ họ bid bao nhiêu. Trong 1 trường hợp chỉ hiện thị một quảng cáo trên 1 trang, rõ ràng bạn hơn đối thủ tận $0.20 và chiến thắng trong việc đấu giá CPC. Tuy nhiên, chênh lệch $0.20 là quá cao vì nếu bạn biết đối thủ đưa ra giá tối đa là $0.50 thì bạn chỉ cần đưa ra giá $0.51 là đủ. Chính Adwords Discounter là người tiết kiệm cho bạn $0.19 đó.

Thật là tuyệt đúng không. Giả sử trong một viễn cảnh không xa. Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua hàng trực tuyến. Và khi đó các website bán hàng trực tuyến sẽ xuất hiện như nấm. Viễn cảnh này sẽ giống như là người tiêu dùng đang đi vào 1 dãy phố (phố Đinh Liệt chẳng hạn) có rất nhiều cửa hàng mà không biết mua của ai bây giờ. Lúc đó Google Adwords sẽ là người dẫn đường. Và chắc chắn để bán được hàng, cửa hàng không ngần ngại gì trả tới $1 hay $2 cho mỗi lần khách vào cửa hàng đâu.

Tất nhiên viễn cảnh chỉ là viễn cảnh. Với con số hơn 15 triệu người dùng Internet hiện nay ở Việt nam, tôi không nghĩ đến được tới 5% người trong số đó có thể mua hàng trực tuyến, ngay tại Việt nam chứ đừng nói gì Quốc tế như eBay hay Amazon. Lúc này, Adwords vẫn còn rất xa vời.

Tháng 6/2009
Trần Thanh Tân

Bình luận

bình luận

2 thoughts on “Giới thiệu về Google Adwords (P.2)

  1. Em thấy cái này cũng hay ho và có nghe nói lần đầu cách đây 4 năm khi còn đi học.A gọi là CPC còn hồi đó em học là PPC ( Pay Per Click), chắc cũng giống nhau cả thôi haha.

  2. CPC là cách nói đối với nhà QC (Advertiser) họ tính chi phí cho mỗi lần click.

    PPC là cách nói đối với người QC (Publisher), họ tính số tiền họ thu được cho mỗi click.

Add Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.