Ở phần trước (Tiền mã hóa CryptoCurrency (P2) – Đào tiền mã hóa là như thế nào?), tôi đã có nói đến việc đào tiền và bể đào chung (Pool). Đào tiền thực tế đang là một nghề xuất hiện từ lâu và có khá nhiều người tham gia tại Việt Nam này, chủ yếu là những người buôn bán linh kiện máy tính bởi vì cái nghề này gắn nhiều với máy tính và công nghệ thông tin. Do đó tôi khuyên những ai không biết gì về CNTT thì đừng thấy lợi hay ham thính người khác thả ra mà tham gia vào, bởi vì nghề gì cũng thế, biết nhiều sẽ tốt hơn là không biết gì, nhất là đầu tư đào tiền cũng không hề rẻ.
Để đào tiền mã hóa, có các cách sau:
1.Đơn giản nhất là chính máy tính bạn đang dùng có thể đào được
. Bạn vào Pool Minergate, họ có luôn các các phần mềm với giao diện dễ dùng để bạn có thể đào ngay lập tức các đồng tiền có giá trị thấp như XMR, LTC … Việc đào này có thể dùng CPU của máy tính hoặc có thể dùng GPU nếu máy bạn có card màn hình. Đương nhiên khi sử dụng CPU hay GPU của máy, bạn sẽ không làm được việc gì khác vì việc đào sẽ chiếm dụng tài nguyên của các thiết bị này. Đào bằng máy tính cá nhân có hiệu suất rất rất thấp, đào cho vui thì được, còn tính đến hiệu quả so với tiền điện và tiền thu được thì không bao giờ có lãi. Đây là ví dụ đào bằng ứng dụng desktop của Minergate.

2. Cách thứ 2, đầu tư có vẻ chuyên nghiệp hơn, đó là ráp một bộ trâu bằng các linh kiện máy tính sẵn có
như mainboard, chip, ổ cứng … và càng nhiều card màn hình càng tốt. Để cắm được nhiều card màn hình trên 1 mainboard, có một thiết bị gọi là dây riser để nối các cổng PCIe ra ngoài, sau đó cắm card lên. Đầu tư một bộ trâu này tùy theo thời giá nhưng card càng hiện đại càng mới càng đắt tiền thì tốc độ đào càng cao, do đó chi phí cũng không hề nhỏ cho một bộ trâu. Đào bằng trâu thì hiệu quả cao hơn vì tốc độ đã được tối đa hóa, tuy nhiên năng lượng tiêu thụ cũng không hề nhỏ. Do vậy dân đào trâu thường chọn điện sản xuất với giá rẻ không lũy tiến để làm xưởng trâu, tối đa hóa hiệu quả để thu hồi vốn, sau đó lại dỡ bộ trâu ra bán linh kiện máy tính như bình thường. Các linh kiện này tuy được BH 1-3 năm nhưng sau quá trình cày trâu chạy 24/24 thì tỉ lệ hỏng hóc cũng cao hơn rất nhiều 🙂 hình ảnh về 1 dàn trâu tôi đã gửi ở bài trước.
Sau khi dựng các máy đào trâu xong, cài hệ điều hành, các mục đồng chăn trâu còn phải cài thêm các phần mềm đào chuyên dụng. Các phần mềm này khá phổ biến như CGminer hay BFGminer, hay Claymore v.v. Cài cũng khá đơn giản, thay đổi chút thông số về worker hay ví là có thể chạy được ngay. Nói về worker, tôi nói thêm một chút. Worker là khái nhiệm để phân biệt các máy đào khác nhau trên cùng một bể đào. Ví dụ bạn đăng kí 1 tài khoản tại bể đào, bạn cần tạo 1 worker trên đó để bắt đầu đào và để bể đào theo dõi công sức đào của bạn mà trả công. Đại loại như vậy, khá đơn giản và dễ hiểu phải không?
Việc vận hành đào trâu, tối ưu hóa trâu và đầu tư trâu cần khá nhiều kiến thức về máy tính, cũng như cả việc mod bios của card màn hình cho chạy cao hơn công suất thực hay overclock card, hay phân bổ các nguồn máy tính để đảm bảo cho trâu chạy đủ nguồn, hay tối ưng phần mềm chạy đào single coin hay dual coin v.v. Ngoài ra bạn cũng cần có kiên thức về việc sử dụng điện, đo điện, hay tối ưu chuồng trâu làm sao cho nhiệt độ tốt nhất, hay chạy trâu được hoàn hảo 24/24. Do vậy các bạn đừng nghe các lời chào mời đơn giản tới mức dễ ăn như chỉ cần đầu tư xong sau đó cắm rồi chạy và thu tiền, là các bạn sẽ bị dính bẫy của các lái trâu ngay. Bởi vì, cách tính hoàn vốn trong thời gian bao lâu như thế nào hoàn toàn là khả năng vận hành tối ưu của dàn trâu, chạy đủ 24/24 mỗi ngày và không trục trặc. Hãy nghĩ đến cả lúc nó bị lỗi, hay nhiễm virus hay đơn giản là nóng quá không chạy nữa; hay ngoài ra còn rủi ro cháy, nổ, chập điện hỏng phải đi bảo hành và vô vàn các rủi ro khác. Hãy nghiên cứu kĩ, tìm hiểu đủ kiến thức, và thấy rằng làm được, lúc đó hãy chăn trâu.
3. Cách thứ 3, đó là dùng các thiết bị đào chuyên nghiệp hay còn gọi là ASIC miner
ASIC là viết tắt của Application-Specific Integrated Circuit. Là một bảng mạch thiết kế riêng, với các chip sản xuất riêng, và chỉ phục vụ cho việc làm hàm băm hash của đào coin. Có khá nhiều thiết bị ASIC như AntMiner, Avalon, KNC, TeraHash, Baikal Miner, Gridseed …. trên thế giới, và việc của nó chỉ là đào coin, nếu ko đào coin nữa thì nó trở thành cái chặn giấy. Tuy nhiên, hiệu quả đào bằng các ASIC Miner này lại rất cao, tốc độ so với năng lượng tiêu hao cực hợp lý và tất nhiên nếu bạn đầu tư thì khả năng hoàn vốn rất nhanh.Vận hành các máy đào ASIC này lại cực kì đơn giản, bạn chỉ cần cắm điện, cắm mạng, sau đó vào phần mềm điều khiển và click, hoàn toàn đồ họa và dễ hiểu. Chỉ cần chút ít kiến thức và CrytoCurrency là xong.
Ví dụ như Baikal Miner, đây là thiết bị chuyên đào mã hóa X11 và các mã hóa khác; vào thời điểm đồng DASH (X11) lên giá cao, nếu chạy Baikal Miner thì chỉ cần khoang 3-4 tháng là hoàn toàn bộ vốn và sau đó là thu lãi. Đây là ví dụ của mộ dàn các bộ Baikal Miner bên Trung Quốc.

Thật hay là khi nghiên cứu về đồng tiền mã hóa này, tôi nhận ra rằng các bạn Trung Quốc tiếp cận rất nhanh trào lưu này và đầu tư cũng như nghiên cứu phát triển nó nhanh chóng. Hiện tại, xưởng đào Bitcoin lớn nhất thế giới nằm tại 1 tỉnh ở Trung Quốc và chiếm tới 30% lương Bitcoin toàn cầu. Ngoài ra các thiết bị đào ASIC cũng được nghiên cứu và sản xuất rất nhanh ở Trung Quốc, ví dụ như Baikal Miner là do người Trung Quốc nghiên cứu phát triển.
Nếu như tiền mã hóa là xu hướng của tương lai thì trên thực tế các thương nhân Trung Quốc đi rất đúng con đường và đang hầu như nắm toàn bộ cả thị trường tiền mã hóa này trong tay. Họ đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển ngành công nghiệp ảo nhưng cũng đầy rủi ro này (Ghi chú: Chính phủ Trung Quốc cũng như Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa nhưng cũng không cấm)
(còn tiếp)
Phần sau: P4 – Tạo ra một đồng tiền mã hóa có dễ ko?
Pingback: Kết nối thiết bị đào CryptoCurrency với Orange Pi - Orange Pi Viet Nam