Tiếp theo bài viết trước về tiền mã hóa, tôi tiếp tục bài này chia sẻ nốt kiến thức về tiền mã hóa cho mọi người.
Như đã đề cập ở bài trước, 2 các yếu tố làm nên các điểm đặc biệt của tiền mã hóa là
- Bảo mật: Các giao dịch tiền mã hóa đều được bảo mật hoàn toàn, từ ví nhận tiền cho đến thông tin các giao dịch. Bạn có thể theo dõi các giao dịch tiền mã hóa từ địa chỉ này sang địa chỉ khác đã được xác nhận hay không nhưng không thể biết được sô tiền đó được chuyển cho ai, chuyển từ đâu và chuyển như thế nào
- Không tập trung: Tiền mã hóa không tập trung không quản lý nên hoàn toàn không thể bị tác động bởi một tổ chức hay chính phủ nào. Điều này có nghĩa là nếu bạn đang cầm tiền mã hóa, cho đến khi mọi người vẫn cần nó trong giao dịch thì bất kể bạn đứng ở đâu, tại quốc gia nào hay bạn là công dân quốc gia nào có cấm vận hay không thì bạn vẫn có thể sử dụng được nó
Chính vì vậy, tiền mã hóa cần một lượng lớn các máy tính để mã hóa các giao dịch, và các máy tính này lại không thuộc về bất cứ tổ chức cá nhân nào nên nó chính là máy của các thợ mỏ.Các thợ mỏ đưa máy tính của mình để tham gia mã hóa và xác nhận giao dịch, bù lại cho công sức đó (đầu tư máy tính và nhiều nhất là năng lượng sử dụng) các đồng tiền mã hóa trả cho chủ nhân các máy tính một số lượng tiền mã hóa tùy theo từng loại.
Bởi vì hàm băm (hash) của việc mã hóa blockchain là một hàm đơn giản nên nếu sử dụng các CPU máy tính cao cấp thì rất lãng phí, thậm chí không hiệu quả vì giá trị trả bằng tiền mã hóa đôi khi không đủ chi phí cho năng lượng. Vì vậy, các thợ mỏ dùng GPU là chip sử dụng trong các card màn hình làm công cụ chạy hàm băm mã hóa. Các máy tính đặc biệt này cũng tương tự như các máy tính thông thường nhưng sử dụng cấu hình đơn giản (chip Celoron rẻ, ram ít, ổ cứng ít) và cắm càng nhiều card màn hình càng tốt. Ngày nay các card màn hình càng hiện đại thì công suất hàm băm của nó càng lớn, mỗi card màn hình như loại mới nhất có thể lên tới 4-5MH/s (MH/s là mega hash trên 1 giây) Một dàn máy tính cắm 6 card màn hình đạt công suất lên tới 24-30MH/s, tạm thời tạo ra hiệu quả cho các thợ mỏ, khi mà các reward bock (tiền thưởng) đủ trả cho chi phí năng lượng (tiền điện) và phần nào đó bù đắp chi phí đầu tư. Hình ảnh dưới dây ví dụ cho 1 máy đào (dân trong nghề gọi là trâu cày) còn tiếng anh gọi là mining-rig cắm 6 card màn hình.

Có cả một cộng đồng chuyên dành cho đào tiền ảo này, nơi đó họ chia sẻ kinh nghiệm và mua bán về các card màn hình, trâu cày và kinh nghiệm đào trâu. Bạn có thể lên Facebook và tìm kiếm ra các nhóm này rất dễ dàng. Tôi không đề cập chi tiết ở đây.
Việc đào các đồng tiền mã hóa này rất đơn giản, mỗi đồng tiền có một máy chủ chạy deamon gọi là deamon gốc hay deamon lõi (core) của đồng tiền, nơi này đưa ra các gói giao dịch cần xác nhận (job), nhận các mã hóa mà các thợ mỏ gửi về đã xác nhận chúng theo đúng như thuật toán đã quy ước, sau đó gửi trả lại cho thợ mỏ các block thưởng. Bởi vì công nghệ blockchain dựa theo hình thái cây merkle do đó càng về sau, khi giao dịch càng nhiều khối lượng các block cần được mã hóa càng lớn, đối với các đồng tiền mới, bạn có thể chạy vài MH/s là đã tạo ra được 1 bản ghi block confirmed trong chain, nhưng các đồng tiền cũ như Bitcoin, bạn cần tới vài PH/s. Vì vậy, sản sinh ra các Pool hay còn gọi là là Bể đào chung.
Bể đào chung đơn giản lại là một máy chủ khác được lập trình một mặt nối trực tiếp vào deamon lõi của đồng tiền, mặt khác lại chấp nhận các thông tin mã hóa của các thợ mỏ khác đang đào gửi lên dựa trên job đã nhận, gộp chúng lại rồi gửi đi. Nếu như block đó được deamon xác nhận là đúng, thì phần thưởng reward bock gửi về, sau khi trừ đi phí (pool fee) của bể, sẽ chia cho các thợ mỏ tham gia vào tùy theo phần đóng góp của họ. Phương thức này giúp cho các thợ mỏ có đầu tư chi phí ít, nhưng vẫn tham gia được vào đào các đồng tiền lớn, và nhận được phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của mình. Có rất nhiều pool nổi tiếng như suprnova, dwarfpool, minergate … nhưng cũng có cả ngàn pool khác ngoài Internet, trong đó có cả scam pool nơi bạn cũng đào nhưng chả được cái gì 🙂
Việc đào các đồng tiền mã hóa này, nếu đơn giản xem như việc đầu tư kiếm tiền thì cũng là một cách kiếm tiền khi bạn đầu tư máy, cho chạy và ngồi ung dung chăn trâu kiếm tiền. Nhưng xét 1 cách tổng thể, đây lại là một việc hao phí cho xã hội khá lớn.
Hãy lấy ví dụ một đồng tiền có độ lớn của block chỉ cần 1MH là có thể xác nhận được cho một chain của đồng tiền đó Nhưng nếu như có tới 10 máy tính cùng tham gia đào, tạo ra 10MH đẩy vào lõi deamon. Đương nhiên trong số đó chỉ có 1MH được xác nhận là đúng, còn lại 9MH kia chắc chắn bị đẩy ra. Trong khi các blockchain này thay đổi liên tục, block sau nối tiếp block trước, nên toàn bộ năng lượng đã sản sinh ra cho 9HM kia hao phí hoàn toàn mà không tạo ra một giá trị nào.
Chính vì lí do này mà tôi đã từ bỏ việc nghiên cứu về đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên các lợi ích của tiền mã hóa không thể bị chối bỏ , thay vì đó nếu chúng ta có thể tạo ra một đồng tiền không tập trung, bảo mật nhưng lại sử dụng các năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió) để xác nhận các giao dịch thì sẽ hiệu quả hơn.
Phần sau tôi sẽ chỉ cho mọi người các thông tin về việc đào crypocurrency như thế nào.
(còn tiếp)