Tiếp tục phần 1 của cơ duyên về nghề chọn người và người chọn nghề, tôi tiếp tục kể lại gần 20 năm vừa học vừa đi làm của mình để chia sẻ một điều “cái gì đến nó sẽ phải đến” (what will be will be) nên đừng quá lo lắng.
Bắt đầu với nghề Marketing cho điện thoại di động (ĐTDĐ) Nokia mà trong tay tôi chẳng có kiến thức gì, ngoài trang Nokia Friends Network đã thành lập và có số thành viên kha khá. Có lẽ đó là khởi đầu của marketing trên mạng Internet đầu tiên của tôi. Bằng cách xây dựng cộng đồng người dùng Nokia, tổ chức offline, … tôi cũng có làm việc mà tôi cảm thấy có khả năng nhất, quản trị diễn đàn. Cộng với thêm nữa là học hỏi thêm từ sếp trực tiếp (anh Hoàng Sơn từ Cisco, không biết giờ này anh ở đâu?) và đồng nghiệp (bạn Hương làm PR người dạy tôi về viết bài và quan hệ báo chí, giờ này cũng ko biết bạn phiêu bạt nơi nao). Quan trọng nhất thời điểm này là đừng nghĩ đến việc mình đã được học những gì từ trường Đại học mà hãy tập trung học những gì mà công việc của bạn đang cần. Thế là tôi vứt bỏ hết Vận đơn, CO, chứng từ hay tàu biển … để biết đến lên kế hoạch Marketing, tổ chức sự kiện, tổ chức chương trình marketing, quan hệ báo chí, v.v. Tất cả đều là những kiến thức mới mà tôi chưa hề biết nhưng cũng không hề khó để học, bởi vì bạn học trong thực tiễn sẽ tốt hơn rất nhiều học lý thuyết trên sách vở. Như vậy nghề Marketing đã chọn tôi, và nỗ lực hết mình, tôi đã có một chút thành công trong nghề đó.

Tất nhiên không thể không kể đến môi trường của FPT cho tôi một cơ hội để xây dựng chính mình, tạo ra con người tôi hiện tại. Những thứ như Văn hóa công ty; những câu nói như “Đi đâu cũng chép cũng ghi, Không biết thì hỏi việc chi ngại ngần”; mối quan hệ cấp trên cấp dưới hòa đồng, cùng một mục tiêu … là những thứ cơ bản nhất để một tổ chức, lúc đó chỉ là một trung tâm kinh doanh nhỏ, tạo ra những thành tựu đáng kể và đến giờ đã thành một công ty con trưc thuôc của FPT. F9 (Trung tâm kinh doanh sản phẩm Nokia) chính là một cái nôi giúp cho tôi phát triển. Nhưng thực tế, mỗi một môi trường, mỗi một hoàn cảnh đều có thời điểm của nó. FPT lúc đó tạo ra cho tôi một nghề Marketing để tôi có thể biết được cách thăm dò và theo dõi thị trường thế nào, cách đưa sản phẩm ra làm sao, định giá thế nào và đánh giá hiệu quả marketing cũng như kinh doanh ra sao. Nhưng nếu như thời điểm bây giờ, chưa chắc tôi đã có được những kiến thức về Marketing như vậy.
Chính FPT cũng phải dạy tôi là nếu làm Marketing thì phải biết Marketing chính mình, nếu không làm được thì làm sao làm được những sản phẩm khác. Tôi vẫn nhớ như in lần phỏng vấn vào FPT đó. Anh Sếp lớn sau khi nghe tôi giới thiệu về mình, rằng học hành ra sao, kiến thức thế nào, biết cái này cái nọ blah blah blah nhưng anh bất ngờ chỉ hỏi “Thế em có người yêu chưa?” Tôi hơi giật mình nhưng cũng khẳng định “Có anh ạ” Anh giải thích “Nếu em nói em tốt em giỏi thế này thế nọ nhiều đến mấy nhưng chính bản thân em tốt như vậy mà không có nổi được cô người yêu thì thực sự là trình độ Marketing của em còn quá kém” 🙂 Về sau này có nhiều người nhận ra việc Marketing chính mình tạo hiệu quả thế nào, và họ kiếm được tiền ra sao từ việc tung hô chính mình, việc này tôi sẽ kể vào dịp khác.
Làm việc ở điện thoại di động được 3 năm, tôi chuyển sang làm Dịch vụ giá trị gia tăng cho điện thoại di động (tức là kinh đoanh đầu số SMS). Vẫn với thế mạnh về Marketing tôi làm được về quảng cáo, nội dung; nhưng lỗ hổng về kiến thức Kinh doanh không cho tôi thành công. Và thế là sau một năm tôi lại phải bỏ dở chừng Trung tâm Giá trị gia tăng trên điện thoại FMS để Nam tiến làm về Game online theo lời kêu gọi của một đại ca bên Công ty viễn thông FPT – FPT Telecom. Về FPT Online, lúc đó là công ty con thành lập dưới FPT Telecom để kinh doanh dịch vụ trực tuyến, thay đổi môi trường, tôi hơi bỡ ngỡ nhưng rốt cục cũng hiểu được Kinh doanh là thế nào: là phải mánh mung một chút khi làm với những đối tác lớn; là phải đến trực tiếp người tiêu dùng đối với những khách hàng nhỏ. Kinh doanh lúc đó cho tôi hiểu là khác với Marketing, Kinh doanh mỗi sản phẩm khác nhau sẽ có các cách làm khác nhau. Trong khi Marketing, hầu như bạn có thể sử dụng kiến thức chung cho các loại sản phẩm giống nhau rồi từ lớp khách hàng của mình, bạn cho ra một chiến lược phù hợp.
Lẽ ra ở lại FPT Online có nhiều cơ hội, nhưng vì nhiều lí do, tôi lại quay đầu về Hà nội để bước một bước ngoặt là chuyển hẳn sang làm Bất động sản cũng với công việc Marketing. Và thế rồi cái gì đến cũng đến, Khủng hoảng Kinh tế kéo Bất động sản, Chứng khoán đi xuống. Tôi cũng đi xuống theo từ đó. Gần như hết đường vì làm tiếp Bất động sản không được, đầu tư Chứng khoán cũng không xong, tôi đi khắp nơi và cuối cùng số phận lại run rủi kéo tôi đi về lại chính ngành nghề mà tôi đã học: Xuất nhập khẩu. Sau 5 năm làm Xuất nhập khẩu và Kinh doanh hàng hóa quốc tế, tôi chợt nhận ra rẳng, đây chính là ngành nghề cơ bản của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu chính là kinh doanh thương mại giữa các quốc gia với nhau, để đem lợi thế tương đối trong sản phẩm này của quốc gia này đem bán cho một quốc gia khác mà sản phẩm đó không có lợi thế. Toàn bộ những vấn đề này đều được học lý thuyết trong trường hết nhưng có một điều mà chỉ trong thực tế tôi mới hiểu được. Đó là, Kinh doanh thương mại quốc tế bị ảnh hưởng ít nhất khi có khủng hoảng xảy ra. Bởi vì nền kinh tế vẫn phải vận động, sản xuất vẫn phải được tiến hành và nguyện liệu vẫn cần trong sản xuất, hàng hóa vẫn phải cần lưu thông. Đây chính là ngành cơ bản không thể thiếu được và từ đó tôi xác định đây chính là công việc tôi sẽ theo tiếp tục đến khi nào còn có thể làm việc, để tạo ra nền tảng vững cho chính mình, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế khác. Như vậy, khi nhận ra ngành nghề cơ bản và đặt ra mục tiêu cho chính mình, tôi chọn nghề uất nhập khẩu và Kinh doanh hàng hóa quốc tế.
Làm Kinh doanh hàng hóa quốc tế bạn như một người bán hàng tạp nham với số lượng lớn, cái gì cũng biết nhưng không biết đủ. Chỉ biết làm sao bán được mặt hàng đó, công dụng công năng và nếu cần cả căn bản nó làm gì. Nhưng chuyên sâu thì lại không biết; cũng đâu cần thiết, tính tôi cũng thích biết nhiều thứ, không biết thì lại nghiên cứu thêm, lại học hỏi, lại thực tế để trải nghiệm. Cuộc đời là một chuỗi quá trình học hỏi, nếu như chỉ làm một sản phẩm thì lại không biết được sự mênh mông của các sản phẩm khác. Cũng giống như người thích đi du lịch, khám phá hết chỗ này thì lại muốn khám phá địa điểm khác; du lịch xong quốc gia này, thì phải đến quốc gia khác.
Bạn sẽ thắc mắc, vậy tất cả kinh nghiệm của tôi trong Marketing và Kinh doanh, Dịch vụ trực tuyến, Bất động sản, Đầu tư tài chính tôi sẽ từ bỏ sao. Nhưng như lời tôi học được từ một người có kinh nghiệm “Tất cả những thứ đó đều vẫn còn tồn tại trong đầu con, bất cứ lúc nào khi con đã đứng vững và mạnh mẽ trong nghề này rồi, con có thể quay lại những nghề mà con đã thất bại để phục thù” . Hay như Jack Ma nói “Từ bỏ là thất bại lớn nhất” và tất nhiên tôi chẳng từ bỏ gì, hay như bây giờ viết bài này tôi cũng đang tiếp tục Marketing chính mình.
Hà nội, 30 tháng 10, 2014