Thay đổi luôn là một phần tất yếu của cuộc sống mà bạn sẽ phải gặp phải trong suốt cuộc đời. Thay đổi đầu tiên bạn gặp phải chính là từ trong bụng mẹ ra ngoài đời (tất nhiên không phải do bạn quyết định) nhưng hàng loạt sự kiện cuộc sống về sau cũng là thay đổi mà bạn gặp phải, có những cái bạn phải tự mình ra quyết định, có những cái không. Ví dụ như chọn trường đại học, chọn công việc để làm, chọn lập gia đình hay chọn để có con cái v.v. Nhưng đứng trước thay đổi để ra quyết định luôn là phần khó nhất.
Thời còn trẻ, tôi không ngại thay đổi. Trong suốt quá trình làm FPT, tôi tự tin nên luôn thay đổi và mỗi lần thay đổi tôi đều cảm thấy có một thách thức trước mắt và muốn đối mặt với nó. Một phần lúc đó cuộc sống độc thân còn vui vẻ, không vướng bận gì và đơn giản quyết định là làm thôi. Đến bây giờ, thay đổi lại là cả một vấn đề, vì tác động của nó sẽ không chỉ đến mình tôi mà còn những người thân xung quanh nữa. Hơn nữa, đến bây giờ, thời gian còn lại của cuộc sống không còn nhiều để thay đổi lại nữa.
Tôi luôn tâm niệm trong cuộc sống, một khi đã quyết là không hối hận, thế cho nên càng về sau này, tôi vướng mắc bởi chính tâm niệm đó, dẫn đến không dám quyết định có thay đổi không, và mất thời gian trong quá trình cân nhắc quyết định. Cân nhắc nhiều quá lại làm ảnh hưởng đến cơ hội, vì có nhiều cơ hội chỉ đến trong vòng một thời gian rất ngắn.
Những lúc này, tôi thường nhớ lại một cuốn sách tôi đã đọc, đó chính là “Quẳng gánh lo đi và vui sống” cả Dale Carnegie. Trong đó có một câu chuyện về chuyện ra quyết định. Có nhiều cách để quyết định thay đổi, nhưng có một cách quyết định thay đổi nhanh nhất, đó là hãy nghi đến điều tệ hại nhất khi mà bạn thay đổi là gì? Viết nó ra và suy nghĩ xem bạn có thể chịu đựng được nó không? Nếu bạn chịu đựng được nó, bạn đã sẵn sàng để thay đổi. Và cuộc sống có nhiều lúc phải thay đổi, dám thay đổi chính là thay đổi cả số phận của mình.
Còn nếu bạn vẫn lo lắng về những vấn đề xảy ra khi bạn thay đổi, hoặc cả những vấn đề bạn đã nhìn thấy khi bạn không thay đổi. Tức là kể cả Thay đổi lẫn Không thay đổi, đều có vấn đề, bạn đang cân nhắc xem Thay đổi hay Không thay đổi ít vấn đề hơn. Dale Carnegie đưa ra lời khuyên sau
Bạn có thể gạt bỏ được 90% nỗi lo lắng bằng cách thực hiện bốn bước sau đây:
+ 1/ Viết ra chính xác điều đang lo lắng
+ 2/ Viết ra những gì có thể làm để giải quyết điều đó
+ 3/ Quyết định sẽ làm gì
+ 4/ Thực hiện ngay quyết định đó
Ở bước 1 và 2, bạn chia ra thành 2 cột, một cột là Thay đổi và một cột là Không thay đổi. Hãy điểm xem ở cột nào bạn có nhiều lo lắng nhất và cột nào bạn có thể giải quyết các điều lo lắng nhiều nhất. Lúc đó bạn sẽ thấy rõ vấn đề của mình và ra quyết định. Điều mấu chốt cuối cùng ở bước 4 chính là Thực hiện ngay quyết định đó.