Bàn về thói quen người Việt

Hôm nay mùng 2 đi lễ về, qua đường Tôn Đức Thắng, đường vẫn tắc đông nghẹt và phải mất đến 45p mới thoát khỏi đoạn đường dài hơn 1km một chút. Cứ nghĩ rằng ngày Tết sẽ vắng vẻ hơn giao thông thuận lợi hơn, hóa ra không phải vậy. Tóm lại, đường xá Hà nội, giống như chương trình Táo quân năm nay nói: ngày thường thì tắc, ngày Tết đỡ tắc hơn một chút, nhưng rồi cũng tắc. Tóm lại giao thông tắc tị 😀

Nhưng về khách quan mà nói, nguyên nhân của sự tắc đường hiện nay là do lượng ôtô tham gia giao thông tăng vọt. Nếu bạn để ý mà thấy, thời gian gần đây, xe hơi tại Hà nội đông lên nhiều, các loại xe đều có đủ, từ xe đắt tiền như Cadillac, Porsche hay Lexus đến xe rẻ tiền như Morning, Matiz hay kể cả xe Trung Quốc như Fairy thì phải. Điều này không phải là một điều đáng buồn, mà nó chứng tỏ đời sống dân ta đang ngày càng tôt lên. Ít nhất về quan niệm thà bỏ ra hơn chục nghìn USD để sắm cái xe tàng tàng mà đi, mưa nắng đỡ ướt đầu còn hơn mua xe máy đẹp giá như vậy, đi mưa thì ốm luôn, đã trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, về chủ quan mà nói, nguyên nhân lại nằm ở chỗ dân ta đi xe hơi cứ như đi xe máy trên đường. Đành rằng đường xá chúng ta ngày xưa xây là để đi xe đạp với đi bộ, họa hoằn lắm mới đi xe máy, tuy nhiên quá trình đô thị hóa tăng lên đường cũng rộng ra nhiều, ít nhất cũng có thể phục vụ thêm được xe ôtô. Ấy vậy mà vẫn không phục vụ được. Đó là vì sao? Là vì xe ôtô đi lung tung cả, chiếm hết cả làn đường xe máy đi trên đường. Đơn cử ví dụ như chiều nay, mỗi chiều của đường Tôn Đức Thắng xe ôtô dàn hẳn thành 3 hàng, mà không phải là xe nọ nối đuôi xe kia mà mỗi xe lại đứng một kiểu, có xe trong làn, có xe nằm giữa làn, may mà có xe leo hẳn lên vỉa hè như xe máy, vì không có chỗ đừng nên leo hẳn lên vỉa hè mà phóng. Xe ôtô đi như xe máy, thế là xe máy đi như xe đạp hay người đi bộ, luồn lách trong hàng ngũ các xe ôtô mà tìm lối ra, tạt ngang qua đầu xe, lách vào hông xe, và ko còn lối nào khác thì phóng thẳng lên vỉa hè mà chiến. Cuối cùng vỉa hè dành cho đội ngũ người đi bộ bị chiếm mất, sau này người đi bộ chắc phải đi như người trời, ấy là đi lên trên mây.

Thói quen là thế, có lẽ là vì nước ta phát triển nhanh quá, tăng trưởng mạnh, kinh tế tốt, nhiều người giàu lên nhanh chóng nên mua được xe hơi rồi, thế nhưng cái văn minh đi xe hơi lại chưa thể học được, nên cứ đi như xe máy thôi. Nó cũng giống như thói quen đến Tết mới sắm sửa. Mấy ngày Tết, đi đâu cũng thấy đông, các cửa hàng quán xá cứ gọi là chật ních người mua sắm. Đến tận chiều 30, mọi người vẫn tranh thủ mua sắm. Âu chuyện này cũng là một cái tốt nữa. Thứ nhất nó tạo ra lực cầu trong dân vào thời điểm đầu năm giúp kinh tế phát triển. Thứ hai, đối với người bán mà nói, thì là một thời điểm tốt nữa để “chặt chém” mà ko sợ mặc cả. Tết sát đến đít rồi mặc cả làm gì nữa cơ chứ.

Ấy vậy mà, ai cũng biết sắm sửa vào gần Tết thì đắt, thì vội, thì mệt, thì đông, nhưng chẳng ai muốn sắm sửa trước đó cả. Cũng có thể là chẳng ai nghĩ đến mình phải sắm sửa cái gì nữa. Việc mua sắm nó như là cái nhu cầu xuất hiện bất thình lình vào những ngày Tết vậy. Có khi, một năm cho vài ba cái Tết thì sức tiêu thụ nội địa của nước ta có khi vượt cả các nước bạn bè láng giềng ấy.

Tại sao người ta ko sắm trước Tết mà đợi đến gần Tết mới mua sắm?

Có phải vì công việc nhiều đến nỗi gần Tết mới được nghĩ và lúc đó mới giãn ra để mua sắm ko? Chắc là không vì các cửa hàng cũng có nhiều cửa hàng mở vào ngoài giờ làm việc. Hết giờ ra mua sắm, có ai cấm đâu? Thế thì tại sao nhỉ? Chuyện này mình chưa nghĩ ra vì bị cụt mất dòng suy nghĩ. Thôi tạm dừng đây chờ các phản hồi của mọi người rồi sẽ viết tiếp.

Tặng một bức ảnh về Tết, ngày hôm nay chắc là hết Tết rồi, Đào tàn nhé 🙂

Spring 2010 - 5 (by Tony Trần)

Bình luận

bình luận

One thought on “Bàn về thói quen người Việt

  1. thật thú vị khi xem bài viết này của bạn. Một thói quen mà ai cũng biết nhưng chả ai chịu sửa cả.haaahaahahahhaa
    ”Chỉ có ở Việt Nam” bạn đã nghe câu này chưa ???

Add Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.